Doanh nghiệp nội nắm hơn 80% thị trường sản xuất chia PET nhưng không thể chen chân vào sản xuất bao bì ngành sữa.
Nội dung nổi bật:
– Doanh nghiệp nội nắm hơn 80% thị trường sản xuất chai PET. Trong đó chủ yếu rơi vào trong 2 doanh nghiệp Ngọc Nghĩa và Bảo Vân. Ngọc Nghĩa hiện sở hữu hơn 1.000 khách hàng trong đó có 2 thương hiệu đồ uống có gas là PepsiCo và Coca-Cola.
– Mảng bao bì nhựa, bao bì giấy cho ngành thực phẩm dạng lỏng chủ yếu nằm trong tay các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là bao bì ngành sữa. Hầu hết bao bì cho các công ty sữa Việt Nam đều do hai công ty bao bì sữa lớn nhất thế giới là Tetra Pak (Thụy Sĩ) và Combibloc (Đức) cung cấp.
Mặc dù kinh tế suy thoái nhưng theo thống kê từ Euromonitor International, ngành thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam liên tục tăng trưởng.
Theo phân tích của Báo Doanh nhân Sài Gòn, sự gia tăng này là tác nhân thúc đẩy nhu cầu bao bì. Yếu tố quan trọng nhất khi khách hàng cân nhắc mua hàng là cảm nhận về sản phẩm thông qua bao bì.
Doanh nghiệp nội nắm hơn 80% thị trường chai PET
Theo EIU, chi tiêu cho thực phẩm và đồ uống không cồn tại Việt Nam năm 2009 đạt 24,3 tỷ USD, tương đương 38% tổng chi tiêu của người tiêu dùng, tại Canada là 9%, Mỹ là 7% và EU là 13%. Doanh số của ngành nước uống đóng chai nói chung năm 2013 tăng trưởng ở mức 13,4% và dự đoán là 13,7% vào năm 2017.
Trong khi các bao bì giấy, carton nằm phần lớn thuộc về các công ty Đài Loan, Hàn Quốc thì thị trường bao bì nhựa trong đó phần lớn là chai PET lại nằm trong tay 2 doanh nghiệp nội là Ngọc Nghĩa và Bảo Vân.
Theo Hiệp hội Bao bì Việt Nam, 66% giá trị xuất khẩu ngành nhựa đến từ bao bì, 5 năm gần đây ngành bao bì nhựa có tốc độ tăng trưởng trên 25%. Quy mô thị trường của ngành bao bì nhựa tổng hợp hiện đạt 410 triệu USD thì chai PET chiếm đến 282 triệu USD, tương đương hơn 68%.
Trước năm 2000, các nhà sản xuất đồ uống, thực phẩm chủ yếu phải nhập khẩu chai PET và hộp nhựa tuy nhiên hiện ưu thế lại thuộc về doanh nghiệp nội với khoảng 80% thị phần do Công ty Ngọc Nghĩa và Công ty Bảo Vân cung cấp.
Tuy nhiên Ngọc Nghĩa có phần mạnh hơn xét về doanh số và quy mô đầu tư. Năm 2011 doanh thu từ sản phẩm nhựa của Ngọc Nghĩa đạt 85 triệu USD, Bảo Vân chỉ đạt 40 triệu USD.
Ngọc Nghĩa hiện sở hữu hơn 1.000 khách hàng trong đó có 2 thương hiệu đồ uống có gas là PepsiCo và Coca-Cola. Ngoài ra đây còn là đơn vị cung ứng chai PET cho các sản phẩm nước trái cây, sữa của Vinamilk hay Lavie, Dầu ăn Tường An,…
Mảng kinh doanh chai PET đóng góp chủ yếu vào doanh thu của Ngọc Nghĩa trong khi ngành thực phẩm đầu tư từ năm 2009 vẫn chưa đem về nguồn thu đáng kể.
Tetra Pak độc chiếm hộp sữa
Trái ngược với mảng bao bì nhựa, bao bì giấy cho ngành thực phẩm dạng lỏng chủ yếu nằm trong tay các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là bao bì ngành sữa. Theo ông Hồ Tiến Sỹ, giám đốc thương hiệu cấp cao Lantabrand, nguyên nhân do yêu cầu kỹ thuật đối với nhóm bao bì sữa rất cao như cấu trúc với 5-6 lớp từ giấy, màng nhôm, màng poly,…nhằm bảo quản tốt các sản phẩm dễ hư hỏng như sữa.
Hầu hết bao bì cho các công ty sữa Việt Nam đều do hai công ty bao bì sữa lớn nhất thế giới là Tetra Pak (Thụy Sĩ) và Combibloc (Đức) cung cấp. Ông Nghĩa còn cho biết chi phí bao bì thường chiếm khoảng 10-20% giá thành sản phẩm, nên với quy mô thị trường khoảng 15.000 tỷ đồng sữa nước hiện này thi doanh thu ngành bao bì sữa là không nhỏ.
Ngoài ra do công nghệ chế biến sữa phức tạp nên hầu hết máy móc đều do các nhà sản xuất bao bì cung cấp và lắp đặt, sau đó họ bán bao bì cho các công ty sữa. Hiện Tetra Pak không chỉ cung ứng bao bì mà còn là đối tác cung ứng thiết bị, dây chuyền đóng gói cho Vinamilk. Hãng này còn là nhà cung ứng bao bì cho 2 doanh nghiệp sữa khác tại Việt Nam là TH Milk và Dutch Lady.
Theo một chuyên gia ngành sữa, Tetra Pak có ưu thế hơn Combibloc tại Việt Nam do đặt chân đến sớm hơn.
Do thị trường Việt Nam chưa đủ lớn nên Tetra Pak và Combibloc chưa đầu tư nhà máy tại đây. Tuy nhiên hiện hãng này đã có nhà máy tại Ấn Độ, Singapore, Trung Quốc còn Cmbibloc đặt nhà máy tại Thái Lan. Đại diện Tetra Pak cho biết tại châu Á- Thái Bình Dương, hãng này đặc biệt quan tâm tới thị trường Việt Nam và Indonesia.
Sở dĩ các doanh nghiệp nội chỉ có thể tham gia vào một công đoạn nào đó hoặc không thể chen chân vào ngành hàng bao bì thực phẩm dạng lỏng do yêu cầu kỹ thuật cao. Bên cạnh đó doanh nghiệp trong nước cũng mất lợi thế do quy mô nhỏ, lẻ, hoạt động theo hình thức mua bán lại. Đồng thời các nhà sản xuất không thể mạo hiểm “bắt tay” với nhà cung ứng nội do rủi ro các doanh nghiệp này khó đáp ứng khi có đơn hàng đột ngột.